Phần 1:Sự cần thiết áp dụng phác đồ 6 tháng cho điều trị lao mới phát hiện tại Việt Nam 

(Một số ký hiệu viết tắt tên thuốc: S.Streptomycine, H.Isoniazide, R.Rifampicine, Z.Pyrazinamide, E.Ethambutol)

Việc rút ngắn thời gian điều trị và số liều thuốc dùng là điều cần thiết đối với cả các nước phát triển và đang phát triển: Lượng thuốc dùng ít đi và thời gian điều trị ngắn lại làm tăng khả năng tuân thủ của bệnh nhân và hiệu quả tương tác với bác sỹ bên cạnh đó cũng giảm thiểu chi phí, thời gian, độc tính của thuốc chống lao. Một khi hóa trị liệu ngắn ngày được triển khai rộng khắp, chắc chắn mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân lao và cải thiện được tình hình bệnh lao ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu.

 Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy ưu thế vượt trội trong kết quả điều trị bệnh nhân lao mới theo phác đồ 6 tháng, với 2 tháng đầu dùng Isoniazid, Rifampicin và Pyrazinamide, Ethambutol hoặc Streptomycin, 4 tháng tiếp theo dùng Isoniazid và Rifampicin hàng ngày. Trong một nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các phác đồ điều trị, Menzies D, et al. đã tổng hợp kết quả của 57 nghiên cứu thử nghiệm có sử dụng Rifampicin trong liệu trình điều trị cho thấy nếu chỉ sử dụng Rifampicin trong 2 tháng đầu có kết quả điều trị không tốt bằng phác đồ điều trị có sử dụng Rifampicin trong cả 6 tháng (tỷ lệ thất bại, tái phát và kháng thuốc mắc phải cao hơn).

                          Ảnh minh họa

 Trung Quốc là một trong 22 nước có tỷ lệ bệnh lao cao nhất thế giới trong nhiều năm qua đã tiến hành 32 nghiên cứu thuần tập với 5.208 bệnh nhân để tìm hiểu những yếu tố liên quan có ý nghĩa giữa thời gian sử dụng thuốc, liều dùng thuốc với tỷ lệ tái phát. Kết quả cho thấy nguy cơ của việc tái phát khi dùng phác đồ điều trị lao 6 tháng có thuốc Rifampicin trung bình là dưới 5% không kể đến liều dùng, có thể dùng hàng ngày hay ngắt quãng. Sử dụng phác đồ điều trị lao 6 tháng cho thấy tỷ lệ thất bại, tái phát thấp hơn và tỷ lệ điều trị khỏi cao hơn phác đồ 8 tháng.

Năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) đã khuyến cáo sử dụng phác đồ điều trị 6 tháng (2HRZE/4HR) và không dùng phác đồ điều trị 8 tháng (2HRZE/6HE) do những bằng chứng nghiên cứu về hiệu quả của phác đồ điều trị 6 tháng. Cho đến nay, hầu hết các nước trên thế giới hiện đang sử dụng phác đồ điều trị lao 6 tháng (2HRZE/4HR).

Việt Nam là nước đứng thứ 12 trong 22 nước có tỷ lệ bệnh lao cao nhất thế giới đã có Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) hoàn thiện về công tác tổ chức, chiến lược điều trị hóa trị ngắn ngày có kiểm soát (DOTS) bao phủ 100% dân số trên toàn quốc và cơ bản đã tổ chức quản lý điều trị tốt bệnh lao, đạt được chỉ tiêu phát hiện, điều trị bệnh lao theo tiêu chuẩn của WHO đề ra. Đặc biệt trong những năm gần đây CTCLQG đã triển khai tốt chiến DOTS với các công thức điều trị lao 8 tháng, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi AFB ( ) mới được duy trì ở mức cao trên 85% trong nhiều năm qua. Bên cạnh việc triển khai tốt chiến lược DOTS thì CTCLQG cũng đã phát triển nhiều công cụ kiểm soát bệnh lao mới như công tác tiêm chủng BCG đạt kết quả tốt, các phương tiện xét nghiệm lao mới và hiện đại giúp việc chẩn đoán bệnh nhanh và sớm hơn, các biện pháp phòng ngừa cũng đã được tăng cường, ý thức người dân cũng đã nâng cao cùng với việc triển khai các phương pháp điều trị mới.

Tuy vậy bên cạnh những thành tích mà CTCLQG đạt được thì vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong thời gian mới khi áp dụng công thức điều trị lao 6 tháng. Mặc dù với những ưu việt của phác đồ điều trị 6 tháng (2HRZE/4HR), và khuyến cáo của TCYTTG sử dụng phác đồ điều trị 6 tháng (2EHRZ/4HR), tuy nhiên đến nay, Chương trình chống lao Việt nam vẫn chưa áp dụng điều trị lao theo phác đồ 6 tháng trên toàn quốc. Lý do chính là phác đồ 8 tháng phổ cập rẻ tiền, vẫn có hiệu quả trong khi đó phác đồ điều trị 6 tháng sử dụng Rifampicin trong cả quá trình điều trị, nếu không giám sát tốt, sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề kháng đa thuốc, đe doạ sự thành công của công tác chống lao. Trong giai đoạn 2007-2011 và 2011-2015, với sự hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức quốc tế và được sự quan tâm của Bộ Y tế, Chương trình chống lao đã đã được củng cố cơ bản về cơ cấu tổ chức và tăng cường nguồn lực.

KẾT QUẢ ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM PHÁC ĐỒ 6 THÁNG TẠI VIỆT NAM

Từ tháng 7/2009, CTCLQG đã tiến hành triển khai thí điểm phác đồ điều trị 6 tháng tại 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Hải Dương, đây là các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Hồng, có điều kiện tương đối thuận lợi để triển khai giám sát DOTS (Hoá trị liệu ngắn ngày có giám sát trực tiếp) trong cả 6 tháng điều trị.

Chương trình Chống lao cũng đã triển khai nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân lao phổi mới bằng công thức 6 tháng trên toàn bộ bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới được phát hiện và quản lý điều trị phác đồ 6 tháng bắt đầu từ tháng 7/2009 đến tháng 06/2011 tại 3 tỉnh Hà nội, Nam định và Hải dương. Kết quả nghiên cứu cho thấy kết quả điều trị rất tốt. Bệnh nhân lao phổi AFB ( ) mới được điều trị bằng phác đồ 6 tháng có tỷ lệ khỏi cao (92,5%), tỷ lệ chết và thất bại, bỏ trị đều thấp (1,9; 0,5 và 1,5%). So với kết quả điều trị của BN lao phổi AFB dương tính mới của các tỉnh khác trên toàn quốc, tỷ lệ khỏi của phác đồ điều trị 6 tháng cao hơn (92,5% so với 90,8%), tỷ lệ chết thấp hơn (1,9% so với 2,8%); tỷ lệ thất bại thấp hơn (0,5% so với 1,2%) và tỷ lệ chuyển cao hơn (2,4% so với 1,7%).

Số liệu của Chương trình Chống lao cũng cho thấy kết quả điều trị cao hơn ở công thức điều trị 6 tháng. Cụ thể, kết quả điều trị của 1943 bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới thu nhận điều trị năm 2010 thì tỷ lệ khỏi đạt 92.5%, hoàn thành điều trị là 1.2%, tỷ lệ tử vong là 1.9%, tỷ lệ thất bại là 0.5%, tỷ lệ bỏ trị là 1.5% và tỷ lệ chuyển là 2.4%. So sánh với kết quả chung trên toàn quốc thì tỷ lệ khỏi cao hơn ở 3 tỉnh triển khai công thức 6 tháng (92.5% so với 90.8%); tỷ lệ thất bại điều trị thấp hơn (0.5% so với 1.2%) và tỷ lệ tử vong thấp hơn (1.2% so với 1.6%).

So sánh kết quả điều trị của 2062 bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới thu nhân điều trị năm 2011 với kết quả điều trị bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới toàn quốc cũng cho thấy tỷ lệ điều trị khỏi cao hơn (91.7% so với 91.1%), tỷ lệ chết thấp hơn (1.7% so với 2.6%), tỷ lệ thất bại thấp hơn (0.4% so với 1.1%) và tỷ lệ bỏ trị thấp hơn (1.2% so với 1.8%).

Một lần nữa chúng tôi lưu ý Điều trị lao với phác đồ hóa ngắn ngày phải được kiểm soát trực tiếp theo chiến lược DOTS: bệnh nhân lao phát hiện sẽ đăng ký điều trị tại tổ lao Quận Huyện và chuyển về điều trị có kiểm soát tại trạm y tế xã gần nhà bệnh nhân vì sau khi điều trị tấn công 1 – 2 tháng bệnh nhân lao thấy triệu chứng lâm sàng giảm bớt rõ rệt nên vội lầm tưởng là đã hết bệnh. Vì phải đi làm kiếm sống, vì chích thuốc đau, vì uống thuốc có thể gặp biến chứng… nên bệnh nhân thường bỏ điều trị nửa chừng hay bỏ diều trị một thời gian mới trở lại. Điều này sẽ tạo ra bệnh lao kháng thuốc không những nguy hại cho cá nhân người bệnh mà còn nguy hại to lớn đối với cộng đồng vì bệnh nhân đa kháng thuốc thì không còn khả năng điều trị tại các nước nghèo. Tại các nước giàu điều trị lao kháng đa thuốc tốn gấp 100 lần hơn, tỷ lệ phản ứng thuốc rất cao và tỷ lệ lành rất thấp. Những bệnh nhân lao đa kháng thuốc ở Việt Nam chắc chắn sẽ tử vong. Không những thế chủng vi khuẩn lao này khi phát tán ra cộng đồng là vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là những người thường xuyên (gia đình, anh em, bạn bè) tiếp xúc với bệnh nhân lao.

Bài viết sau sẽ cung cấp cho độc giả phác đồ điều trị lao 6 tháng cập nhật nhất của chương trình chống lao quốc gia đang áp dụng hiện nay. Mời quý vị đón đọc!

Theo: Vũ Phong

 

 

 

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
1 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Nguyễn Thanh binh
Nguyễn Thanh binh
4 years ago

Tôi thấy hơi bị tuc ngực có phải là bị bệnh lao kg nếu bị thi uống bao nhiêu hop moi khoi hoàn toan

×
Đăng ký thành công!
1
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x